Chúng ta sẽ bắt đầu bài viết này với một số từ khóa xuất hiện trong các clip quảng cáo sữa trên truyền hình như DHA, ARA...xét về mặt kinh doanh thì đây là những từ khóa tiếp thị của các hãng sữa, khi chúng xuất hiện với tần suất dày đặc dễ gây lầm tưởng cho các mẹ tin vào tác dụng "Thần thánh" của những vi chất này.
1. Trẻ thông minh không phải nhờ DHA
DHA là tên viết tắt của Docosa Hexaenoic Acid, một acid béo không no cần thiết (EFAs - Essential Fatty Acids) thuộc nhóm omega-3. Khi phân tích cấu trúc của não, các nhà khoa học thấy nó nằm trong thành phần cấu trúc màng tế bào thần kinh. DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) của não và trong võng mạc (tổng chỉ huy sự nhìn của mắt). DHA tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác.
Trước kết quả nghiên cứu cho rằng những trẻ bú sữa mẹ hay dùng sữa công thức có bổ sung DHA trong suốt 6 tháng đầu sau sinh sẽ có kích thước não bộ và chỉ số IQ cao hơn những trẻ uống sữa công thức không bổ sung DHA, nghiên cứu của ĐH Southamson do Hiệp hội Nghiên cứu y khoa và Tổ chức tiêu chuẩn Thực phẩm Anh tài trợ, đã tìm hiểu mối liên hệ giữa bú mẹ và đưa DHA vào sữa công thức dành cho trẻ nhũ nhi, và thực hiện các test về trí tuệ.
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 241 trẻ từ lúc chào đời cho đến khi 4 tuổi là con của các bà mẹ tham gia vào cuộc khảo sát Phụ nữ của trường ĐH Y khoa, dự án nghiên cứu sức khỏe và lối sống của phụ nữ lớn nhất nước Anh. Trong đó có 130 trẻ bú mẹ (53,9%), 65 trẻ dùng sữa công thức bổ sung DHA (27%) và 46 trẻ dùng sữa công thức không bổ sung DHA (19,1%). Sau khi so sánh các yếu tố như sự khuyến khích hiểu biết, những cảm xúc trong gia đình, sự trở lại công việc của người mẹ trước sinh nhật đầu tiên của trẻ... các nhà nghiên cứu nhận thấy sự khác nhau về chỉ số IQ giữa trẻ bú mẹ và dùng sữa công thức không có DHA là rất thấp. Nhìn chung, việc bổ sung DHA đối với trẻ trong 6 tháng đầu đời không liên quan với chỉ số IQ hay bất kỳ chỉ số nào ở các test khác.
Như vậy, sự khác nhau trong trí thông minh của trẻ không do các loại sữa trẻ ăn, yếu tố gia đình và tinh thần đóng vai trò quan trọng hơn hẳn các loại axit béo mà trẻ được nhận từ sữa.
Môi trường gia đình và tình cảm thời thơ ấu chính là chìa khóa tạo nên một đứa trẻ thông minh, chứ không phải axit docosahexaenoic (DHA) trong sữa mẹ hay sữa công thức, các nhà khoa học ĐH Southampton (Anh) chỉ rõ.
2. Hàm lượng đúng DHA là bao nhiêu?
DHA "gạch xây cho não người" là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Với trẻ từ 0-24 tháng, FAO/WHO xem DHA là một axit béo thiết yếu có điều kiện vì trong giai đoạn này não trẻ phát triển rất nhanh và DHA đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển não và võng mạc. Đối với trẻ trên 2 tuổi cũng như người trưởng thành, FAO/WHO tin rằng trẻ sẽ phát triển tốt khi cung cấp đủ DHA theo khuyến cáo nhằm giúp trẻ cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol toàn phần, triglyceride máu, LDL-cholesterol (cholesterol xấu), đây là các nguyên nhân chính gây vữa xơ động mạch - căn nguyên của bệnh nhồi máu cơ tim.
FAO/WHO khuyến cáo bổ sung DHA theo hàm lượng khoảng 17mg/100kcal và ARA là khoảng 34mg/100kcal ở trẻ nhũ nhi (0-12 tháng) và từ 75mg/ ngày (tuỳ theo lứa tuổi và cân nặng của trẻ nhỏ từ 1-6 tuổi) sẽ giúp trẻ có sự phát triển trí não và thị lực tốt hơn, và kỹ năng giải quyết vấn đề cũng tốt hơn so với nhóm không được bổ sung DHA và ARA.
Các mẹ cần lưu ý thành phần trên nhãn sữa: Hầu hết các loại sữa bột trên thị trường Việt Nam không đạt được tiêu chuẩn này. Nhiều hãng sữa duy trì hàm lượng DHA và ARA chuẩn trong các sản phẩm lưu hành trên thị trường Âu, Mỹ nhưng lại bớt đi khi bán sản phẩm sang các nước nghèo, trong đó có Việt Nam.
3. Nên bổ sung DHA như thế nào?
Với thai nhi: Chế độ ăn trước và trong khi có thai rất quan trọng đối với tình trạng dự trữ các acid béo không no cần thiết (EFAs) cho thai nhi. Ðặc biệt trong 3 tháng cuối thai kỳ, trung bình một ngày thai nhi cần 2,2g EFAs/ngày cho sự phát triển hệ thần kinh và mạch máu. Các trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường đòi hỏi phải cung cấp đủ DHA bởi chúng không có khả năng chuyển tiền tố DHA từ dầu thực vật hay các thức ăn thay thế sữa mẹ khác sang DHA.
Sữa mẹ cung cấp đủ EFAs cho trẻ, vì vậy việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho bú kéo dài tới 24 tháng là rất quan trọng. Trong sữa mẹ từ 40 - 45 ngày sau khi sinh DHA chiếm 0,3%, AA: 0,4% và DPA: 0,2%. Trong những trường hợp đặc biệt trẻ không được bú mẹ thì phải lựa chọn các thức ăn thay thế sữa mẹ có bổ sung các acid béo nói trên.
DHA có nhiều trong các loại thực phẩm thông dụng như: Cá hồi, cá thu, cá đối đỏ, cá mòi và cá biển da xanh, lòng đỏ trứng, tảo biển và các loại tim, gan, não, thận của động vật. Một bữa ăn với các loại thực phẩm trên vừa có thể bổ sung DHA cho cơ thể vừa có thể tiết kiệm ngân sách gia đình.
(nguồn tham khảo tại: dantri.com.vn )